3-       Ý nghĩa của việc mừng kỷ niệm?

            Việc mừng kỷ niệm có hai ý nghĩa sau đây:

            - Là thời gian hiến dâng cho Thiên Chúa

            - Là thời gian thánh hóa và phục hồi

 

Là thời gian hiến dâng cho Thiên Chúa

            "Chúng ta biết rằng một cuộc mừng kỷ niệm là một thời gian được đặc biệt hiến dâng cho Thiên Chúa. Theo luật Moisen, cứ 7 năm có một lần: Đó là một 'năm nghỉ ngơi' (sabbatical year), trong năm đó đất đai được xả hơi và những người làm tôi được trả tự do. Phận sự của những người nô lệ tự do này được ấn định bởi những điều khoản chi tiết trong các Sách Xuất Hành (23:10-11), Lêvi (25:1-28) và Nhị Luật (15:1-6). Nói cách khác, những điều khoản này được thấy áp dụng trong toàn bộ lập pháp thánh kinh, một bộ lập pháp được đánh dấu bằng một tính cách rất đặc biệt này. Trong năm nghỉ ngơi, ngoài việc trả tự do cho các người làm tôi, Lề Luật còn có những qui định rõ ràng về việc hủy bỏ tất cả các nợ nần. Và tất cả những điều này đều phải làm để tôn vinh Thiên Chúa".

 

Là thời gian thánh hóa và phục hồi

            "Nếu năm nghỉ ngơi mà như thế thì năm mừng kỷ niệm, cứ 50 năm một lần, cũng phải như vậy. Tuy nhiên, trong năm mừng kỷ niệm, những lề lối của năm nghỉ ngơi được nới rộng hơn và được cử hành còn trọng thể hơn là đàng khác. Như chúng ta đọc thấy trong sách Lêvi: 'Các ngươi sẽ thánh hóa năm thứ 50 và công bố tự do cho tất cả mọi dân cư ở khắp nơi; nó sẽ là một cuộc mừng kỷ niệm cho các ngươi, một năm mà mỗi người trong các ngươi sẽ lấy lại tài sản của mình và mỗi người trong các ngươi sẽ trở về với gia đình của mình' (25:10). Một trong những thành qủa đáng kể nhất của năm mừng kỷ niệm là cuộc giải phóng chung cho tất cả mọi dân cư trong lãnh thổ cần được trả tự do. Vào dịp này, mọi người Ích Diên lấy lại tư hữu thuộc đất đai của cha ông mình, nếu chẳng may họ có phải bán đi hay bị mất đi vì lâm cảnh làm tôi. Họ không bao giờ hoàn toàn bị lấy mất đất đai, vì nó thuộc về Thiên Chúa; các người Ích Diên cũng không thể nào mãi mãi sống trong cảnh làm tôi, vì Thiên Chúa đã cứu chuộc họ cho chính Ngài, như sở hữu riêng của Ngài, bằng việc giải thoát họ khỏi cảnh làm tôi bên Ai Cập (đoạn 12).

            "... Năm kỷ niệm có nghĩa là năm phục hồi tình trạng bình đẳng cho tất cả mọi con cái trong dân Ích Diên, hiến cho những gia đình bị mất mát của cải, và ngay cả tự do cá nhân của họ,ï những cơ hội mới. Ngoài ra, năm mừng kỷ niệm còn là một nhắc nhở cho người giầu có về một thời sẽ đến, khi mà những người nô lệ Ích Diên của họ, một lần nữa, có thể lấy lại quyền bình đẳng của họ và có thể đòi lại các quyền lợi của họ. Vào những thời điểm được lề luật ấn định, phải công bố một năm mừng kỷ niệm để trợ giúp những người thiếu thốn. Điều này chỉ đòi hỏi chính quyền mà thôi. Công lý, theo lề luật của người Ích Diên, trước hết ở tại việc bảo vệ kẻ yếu thế, và nhà vua phải làm gương trong vấn đề này, như lời thánh vịnh: 'Vua cứu trợ kẻ thiếu thốn khi họ kêu cầu, người nghèo khó và kẻ không được ai giúp đỡ. Vua thương đến kẻ yếu thế và người thiếu thốn, và cứu vớt đời sống của người thiếu thốn' (Ps.72:12-13). Những căn bản của truyền thống này thật sự có một tính cách thần học, trước hết liên quan đến thần học về việc tạo dựng và thần học về việc quan phòng thần linh. Thật vậy, nó là một niềm xác tín chung, một niềm xác tín rằng 'the dominium altum' (chủ quyền tối thượng) - đó là quyền làm chủ trên tất cả mọi tạo vật, và nhất là trên mặt đất, chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa là Đấng Hoá Công mà thôi. Nếu trong việc quan phòng của mình, Thiên Chúa đã ban trái đất cho loài người, thì có nghĩa là Ngài đã ban nó cho mọi người. Bởi thế, những phong phú của tạo vật phải được coi như là một phẩm vật chung cho toàn thể loài người. Những ai có được những sản vật này như tài sản riêng của mình thì họ thực sự chỉ là những người tôi tớ, những quản trị viên có trách nhiệm sử dụng nhân danh Chúa là Đấng, theo đúng nghĩa, chỉ duy một mình Ngài mới có chủ quyền, vì theo ý của Thiên Chúa, các phẩm vật được tạo dựng nên là để cho mọi người bằng một đường lối chính đáng. Năm mừng kỷ niệm có nghĩa là phục hồi tình trạng công chính xã hội này..."